Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên
bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng đầu tiên được định hướng bao phủ bảo hiểm y tế vì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Cùng eBaohiem tìm hiểu qua bài viết này nhé
I. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Là Học sinh Sinh viên (ngoại trừ những em đã tham gia Bảo hiểm y tế các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế ) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
II. Mức đóng và thời hạn sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế học sinh
2.1. Mức đóng:
Theo quy định mức đóng bằng 4.5% mức lương cơ sở (từ 1/7/2019 là 1.490.000đ) nhân với số tháng tương ứng; trong đó nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; Học sinh Sinh viên đóng 70% và tham gia bắt buộc tại nơi Học sinh Sinh viên đang theo học.
* Học sinh Sinh viên có thể đóng cả năm học 12 tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng.
- Cụ thể mức đóng là : (1.490.000 x 4.5% x 70%) x số tháng đóng.
- Đối với những em chưa có thẻ năm 2019 thì đóng từ 1/10/2019
- Hàng năm mức đóng thay đổi theo lương cơ sở do Chính phủ quy định.
- Học sinh Sinh viên có thẻ Bảo hiểm y tế thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; thân nhân công an nhân dân, nghèo, cận nghèo,…) nếu hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác, thì tham gia Bảo hiểm y tế theo nhóm Học sinh Sinh viên ngay từ tháng tiếp theo, đến hết thời hạn chung của nhà trường.
2.2. Thời hạn sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế:
- Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ Bảo hiểm y tế từ 01/01/2019 hoặc từ ngày hết hạn của thẻ Bảo hiểm y tế được cấp trong năm học trước và tiếp tục có giá trị sử dụng (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng hoặc 15 tháng) mà Học sinh Sinh viên lựa chọn số tháng đóng.
- Đối với học sinh lớp một, nếu có ngày sinh trước tháng 9, thẻ có giá trị từ 01/10/2019; NẾU CÓ NGÀY SINH SAU THÁNG 9 GIÁ TRỊ THẺ TỪ ĐẦU THÁNG LIỀN KỀ (01/10, 01/11 hoặc 01/12/2019).
- Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối, thẻ có giá trị tương ứng theo phương thức đóng đến 30/09/2020 hoặc đến ngày cuối cùng của tháng học hoặc khóa học (do Hiệu trưởng nhà trường quyết định).
Lưu ý: Trường hợp tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên, thì thẻ Bảo hiểm y tế có thời hạn sử dụng sau 30 ngày kể ngày nhà trường nộp tiền Bảo hiểm y tế)
III. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế
- Được quyền đăng ký khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu tại các bệnh viện đa khoa khu vực; các bệnh viện quận, huyện; các phòng khám đa khoa tư nhân; các trạm y tế xã, phường và các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng dẫn của cơ quan BHXH. Truy cập website bhxh để chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu.
- Được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý. Liên hệ với BHXH nơi phát hành thẻ Bảo hiểm y tế để được thực hiện.
IV. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế:
- Xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh (gồm thẻ học sinh/ sinh viên có ảnh hoặc CMND, căn cước công dân).
- Trường hợp cấp cứu, được khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện.
- Trường hợp chuyển tuyến điều trị, phải có hồ sơ chuyển viện cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám, chữa bệnh.
V. Phạm vi được hưởng của người tham gia Bảo hiểm y tế:
5.1. Được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau đây:
- Chi phí chăm sóc sức khỏe tại trường.
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, tiền giường bệnh.
- Thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế trong danh mục của Bộ Y tế.
5.2. Mức hưởng Bảo hiểm y tế:
a) Khi đi khám, chữa bệnh đúng quy định (Cấp cứu hoặc được chuyển tuyến) thì được thanh toán như sau:
- 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu chi phí cho một lần khám, chữa bệnh tại tuyến xã.
- 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (từ 01/07/2019 là: 8.340.000đ) (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến).
- 80% chi phí khám, chữa bệnh đúng quy định hoặc tại Bệnh viện tuyến quận/ huyện trong phạm vi cả nước.
b) Trường hợp người có thẻ Bảo hiểm y tế tự đi khám, chưa bệnh không đúng tuyến được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng (hộ gia đình mức hưởng là 80%):
- Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám, chữa bệnh (Nội trú và ngoại trú).
- Các thẻ đăng ký KCB ban đầu tại Trạm y tế phường/xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện quận/huyện được hưởng 100% chi phí KCB khi đi khám tại các Trạm y tế phường/xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến quận/huyện trên địa bàn thành phố.
c) Trường hợp khám chữa bệnh tại nơi không ký hợp đồng KCB Bảo hiểm y tế, bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế được thanh toán như sau:
*Khám chữa bệnh ngoại trú:
- Tại cơ sở tuyến huyện và tương đương thanh toán 60.000đ/ 1 lần KCB.
*Khám chữa bệnh nội trú:
- Tại cơ sở tuyến huyện và tương đương: thanh toán 500.000đ/ đợt điều trị.
- Tại cơ sở tuyến tỉnh và tương đương: thanh toán 1.200.000đ/ đợt điều trị.
- Tại cơ sở tuyến Trung ương và tương đương: thanh toán 3.600.000đ/ đợt điều trị.
Ý nghĩa tham gia bảo hiểm y tế Học sinh Sinh viên
Lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên càng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, bởi có sức khỏe tốt thì mới có thể phát triển toàn diện về trí lực và thể chất, nhân cách. Ai cũng có lúc bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai nạn bất ngờ, không lường trước được, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm y tế thì gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh sẽ là rất lớn đối với nhiều gia đình.
Tham gia Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên chính là cơ chế “bảo đảm an toàn” cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe
#baohiemytehocsinh #ebaohiem