10 sự kiện nổi bật ngành bảo hiểm năm 2020

Dịch Covid bùng phát, Ngập lụt tại miền trung, các vụ M&A ngành bảo hiểm ... là những sự kiện nổi bật ngành bảo hiểm năm 2020 do eBaohiem bình chọn

10 su kien bao hiem 2020

TOP 10 SỰ KIỆN BẢO HIỂM NĂM 2020

1. Dịch Covid và tác động 

Dịch covid 19 đã tràn qua các quốc gia khiến cho tình trạng ngưng trệ ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nỗi lo dịch bệnh đã khiến cho nhu cầu tham gia các gói bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ đã gia tăng trong thời gian đầu, tuy nhiên khi dịch bùng phát trở lại vào tháng 7 thì người dân đã phải toan tính nhiều hơn cho các dự phòng nhu cầu khác nên tốc độ tăng chậm lại. Điểm đang lưu ý là ngày 01/04/2020 Thủ tướng đã cho dừng các gói bảo hiểm covid do các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp.

Đối với các loại hình bảo hiểm khác như tài sản, trách nhiệm cũng bị suy giảm do tác động tiêu cực của ngành kinh tế và phải chờ đợi sự phục hồi trong năm 2021. Nhìn chung tốc độ toàn ngành năm nay vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 15%, thấp hơn hàng năm, nhưng vẫn là tín hiệu tốt so với các lĩnh vực khác.

2.Gia tăng nhu cầu tham gia Bảo hiểm TNDS xe cơ giới

Dưới tác động của việc ra quân kiểm tra  tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 15/05, nhu cầu tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự dành cho xe máy, xe ô tô gia tăng đột biến . Thực tế cho thấy tỉ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy đến nay vẫn còn rất thấp, mới chỉ đạt 30% trên tổng số lượng cả nước có gần 60 triệu chiếc. Ngoài lý do việc tham gia mang tính chất đối phó với cảnh sát giao thông thì thủ tục đòi bồi thường không thuận tiện ngăn cản người tham gia.

bao hiem xe may bat buoc

Theo kế hoạch năm 2021, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi tổng thể Luật kinh doanh bảo hiểm và sẽ nêu vấn đề này để xin ý kiến các cơ quan cũng như đối tượng chịu sự tác động để có báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

3.Các vụ M&A lớn của ngành bảo hiểm

Ngày 09/04/2020  Tập đoàn FWD chính thức thông báo  mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif ("VCLI"), công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ("Vietcombank") và BNP Paribas Cardif với mức giá ước tính 400 triệu USD.

Ngày 14/12/2020 Manulife châu Á sẽ mua lại Aviva Việt Nam và giành được quyền bán bảo hiểm độc quyền tại mạng lưới VietinBank. Mức giá cho thương vụ này chưa được tiết lộ.

Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) đã đầu tư 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm 41.436.330 cổ phần BVH, tương đương 5,91% vốn điều lệ, nâng tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09%.

4.Tình hình thiên tai nghiêm trọng tại Miền Trung

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng, miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó chín đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 118 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhất là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 tại khu vực Trung Bộ.

Tính đến ngày 2-12, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 51.923 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn ki-lô-mét đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng.

Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 35.181 tỷ đồng. Và nhiều hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh các sự kiện đang yêu cầu bồi thường.

5.Kênh hợp tác ngân hàng tiếp tục tăng trưởng

Thống kê mới đây cho thấy, tỷ trọng đóng góp của kênh bancassurance vào tổng phí bảo hiểm nhân thọ liên tục mở rộng từ 5,9% năm 2016 lên 12% vào năm 2018 và 15,8% trong 9 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, kênh này cũng chiếm35% tổng phí bảo hiểm nhân thọ năm đầu tiên trong năm 2020. Ngoài sự kiện FWD kết hợp khai thác kênh của ngân hàng VCB, Manulife mua lại AVIVA để khai thác kênh ngân hàng Vietinbank... 

sunlife hop tac voi acb

Việc Sunlife và ACB vừa công bố thỏa thuận kéo dài 15 năm và sẽ chính thức được triển khai từ đầu năm 2021 trên toàn bộ mạng lưới 371 chi nhánh trên 48 tỉnh thành của ACB. Hai bên kỳ vọng sẽ mang đến cho hơn 3,6 triệu khách hàng của ACB. Thương vụ này được ước tính khoảng 8.500 tỷ đồng cho ACB.

Kênh khai thác này đang phát triển nhanh chóng nhưng tồn tại hiện tượng chèn ép khách hàng mua bảo hiểm do vậy tháng 10 năm 2020 Ngân hàng Nhà Nước đã có văn bản để tuýt còi các hành vi chèn ép trên.

6.Đại lý tổ chức xác lập vị trí quan trọng trong kênh phân phối

So với các kênh phân phối truyền thống, Đại lý tổ chức là mô hình phát triển sau nhưng đã nhanh chóng đạt được thành công nhất định tại các thị trường Bắc Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản, Úc, Singapore… và đóng góp doanh thu bảo hiểm đáng kể tại nhiều công ty bảo hiểm ở các quốc gia này.

kenh phan phoi bao hiem tai Ấn ĐỘ

Tham khảo mô hình phân phối bảo hiểm qua các kênh tại Ấn Độ

Còn tại Việt Nam, khi nói đến những thành công bước đầu về mô hình Đại lý tổ chức trong thời gian qua có những cái tên như Moncover, TCA, Brics.... Mỗi công ty đang có những chiến lược kinh doanh khác nhau là những mảnh ghép hoàn hảo thúc đẩy thị trường kinh doanh bảo hiểm đầy tiềm năng.

7.Xu hướng bán hàng bảo hiểm trực tuyến

Giống như nhiều ngành nghề kinh doanh khác thì xu hướng bán hàng trực tuyến đã lên ngôi khi tác động của cơn bão covid ập đến. Người tiêu dùng đã dần quen với việc tham gia bảo hiểm trực tuyến khiến cho cuộc đua dành cho các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ thêm phần quyết liệt. Các công ty này cũng đẩy mạnh việc phân phối qua các kênh thương mại điện tử lớn như Tiki, shoppee ... để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

tiki fwd

Ngoài ra còn có sự xuất hiện của các công ty công nghệ bảo hiểm ( insurtech) như eroscare, paypaya... tham gia vào thị trường giúp cho thị trường bảo hiểm tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển.

fintech tai vietnam

Danh sách các công ty Fintech tại Việt Nam.

8.Cơ hội cho ngành tư vấn phụ trợ bảo hiểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Văn bản pháp lý này cũng mở ra cơ hội cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm gồm có công ty tư vấn bảo hiểm, công ty đánh giá rủi ro bảo hiểm, các công ty tính toán bảo hiểm, công ty giám định tổn thất, công ty hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

9. Trục lợi bảo hiểm vẫn lo ngại

Tháng 5-2020, vụ một bí thư xã ở huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông giết người đốt xác rồi mượn xác ngụy tạo cái chết giả để vợ con được hưởng tiền bảo hiểm nhân thọ đã gây chấn động dư luận. Năm qua, có hàng loạt vụ việc gian dối khi mua bảo hiểm nhân thọ để trục lợi như cố tình che giấu bệnh tật, không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các thông tin sức khỏe... Nghiêm trọng hơn là những trường hợp chết do bệnh nhưng ngụy tạo hiện trường tai nạn, cố ý gây thương tích để được bồi thường.

truc loi bao hiem

Các công ty bảo hiểm mong muốn sẽ tiếp tục có những bản án pháp luật nghiêm minh để răn đe những hành vi cố tình trục lợi bảo hiểm này.

10. Chuyển đổi số diễn ra tại Doanh nghiệp bảo hiểm

Chuyển đổi số là một dấu ấn đậm nét của ngành tài chính bảo hiểm trong năm 2020. Mặc dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các năm trước, nhưng đến năm nay, với chất xúc tác diệu kỳ (thậm chí có chuyên gia còn gọi đó là phép màu) mang tên Covid-19, hoạt động chuyển đổi số, số hóa ngành bảo hiểm, tài chính  mới diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn bao giờ hết.

Hàng loạt công ty bảo hiểm đổ tiền đầu tư vào số hóa từ hàng trăm tới hàng tỷ đồng, nhiều ứng dụng bảo hiểm số mới được ra mắt , sự đầu tư mạnh hơn cho số hóa giúp các công ty gia tăng nhanh chóng lượng khách hàng và tăng mạnh nguồn doanh thu, giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống.

#10sukienbaohiem2020 #ebaohiem